Hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một hội chứng cực kỳ nguy hiểm và là nguyên nhân khiến rất nhiều nhà đầu tư phải trắng tay nhé! Đó chính là hội chứng FOMO.
FOMO hay hiệu ứng đám đông luôn ảnh hưởng rất lớn đến hành động của con người trong xã hội
(Nguồn: Internet)
1. FOMO là gì?
FOMO là viết tắt của cụm từ “𝐹𝑒𝑎𝑟 𝑜𝑓 𝑀𝑖𝑠𝑠𝑖𝑛𝑔 𝑂𝑢𝑡”, hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội. Đây là hội chứng phổ biến không chỉ trong các thị trường tài chính như chứng khoán, Forex, Bitcoin,… mà còn hiện hữu ở tất cả các lĩnh vực và hoạt động của con người.
Đó chính là cám dỗ khi chứng kiến người khác đạt được cái gì đó, trong trường hợp này là lợi nhuận từ thị trường chứng khoán, khiến bạn không thể cưỡng lại được và lao vào tham gia, trong khi chưa hề hiểu rõ về việc mình đang làm.
2. FOMO trong thị trường chứng khoán
Issac Newton cũng đã từng phải thốt lên rằng: “Tôi có thể tính toán được sự chuyển động của các hành tinh, nhưng không thể tính toán được sự điên rồ của con người” sau khi mất 20.000 bảng Anh vì đã “đu đỉnh” cổ phiếu công ty South Sea Bubble vào năm 1720.
Có lẽ rất nhiều nhà đầu tư đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, mua cổ phiếu khi “hot” và bán tống bán tháo khi thị trường rung lắc, cổ phiếu chuyển đỏ. Một trường hợp khác của FOMO đó là mua được cổ phiếu tốt với giá rẻ, sau đó chốt lời “non tay”, cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng sau khi chốt lời, khiến nhà đầu tư nôn nóng muốn mua lại cổ phiếu mình đã chốt. Khi đó, giá cổ phiếu đã trở nên quá cao và tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.
3. Vậy làm sao để loại bỏ cảm giác FOMO khi tham gia thị trường chứng khoán?
– Hiểu thật rõ về doanh nghiệp: Có nhiều người nhầm lẫn rằng chỉ cần không mua cổ phiếu khi đã tăng mạnh là sẽ giải quyết được FOMO. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng giá nhiều lần mặc dù bạn thấy chúng đã tăng “đủ” rồi. Có thể thấy những cổ phiếu tăng trưởng đều qua các năm thì gần như không có đỉnh và bạn mua ở vùng giá nào cũng sẽ có lãi trong dài hạn. Khi đã hiểu rõ doanh nghiệp mà mình lựa chọn, hiểu rõ giá trị thật của cổ phiếu thì tỷ lệ an toàn sẽ rất cao.
– Xây dựng chiến lược đầu tư rõ ràng: nếu bạn quyết định mua bán hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến thị trường thì sẽ rất dễ bị FOMO và giải ngân nhiều nhất ngay đỉnh. Hãy tự xây dựng một chiến lược riêng và tuyệt dối tuân thủ các nguyên tắc đã đặt ra, điều này sẽ giúp bạn giảm cảm xúc trong mua bán.