Mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ (CSTT) và thị trường chứng khoán (TTCK) ngày càng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bởi CSTT có các công cụ quan trọng tác động vào nền kinh tế nhằm kiểm soát giá cả và ổn định nền kinh tế, trong đó có TTCK.
Chính sách tiền tệ nhằm ổn định nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng
Chính sách tiền tệ là gì?
CSTT là chính sách sử dụng các công cụ của hoạt động tín dụng và ngoại hối để ổn định tiền tệ, từ đó ổn định nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.
Các loại CSTT
- CSTT mở rộng (nới lỏng): Ngân hàng Trung ương mở rộng mức cung tiền cho nền kinh tế hơn mức bình thường, làm lãi suất giảm xuống. Qua đó, làm tăng tổng cầu, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy đầu tư và sản xuất kinh doanh.
- CSTT thắt chặt (thu hẹp): Ngân hàng Trung ương giảm cung tiền vào nền kinh tế, làm lãi suất tăng lên. Từ đó thu hẹp tổng cầu, làm mức giá chung giảm xuống. CSTT này được áp dụng khi nền kinh tế tăng nóng, lạm phát gia tăng. CSTT thu hẹp đồng nghĩa với CSTT chống lạm phát.
Ảnh hưởng của CSTT lên TTCK
CSTT ảnh hưởng đến lãi suất thị trường và từ đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu thông qua 2 kênh chính.
- Chính sách thắt chặt tiền tệ: có thể được tiến hành thông qua tăng lãi suất cơ bản, dẫn đến tăng lãi suất thị trường. Lãi suất thị trường được sử dụng để chiết khấu dòng tiền trong mô hình định giá. Điều này khiến giá cổ phiếu giảm đi.
- CSTT tác động đến sự mong đợi của dòng tiền trong tương lai (ví dụ như thu nhập của công ty): CSTT thắt chặt làm ảnh hướng để hoạt động kinh tế, ảnh hưởng thu nhập tiềm năng của doanh nghiệp trong tương lai. CSTT thắt chặt có thể làm giảm dòng tiền ròng của doanh nghiệp bởi vì nó làm giảm chi tiêu tiêu dùng và tăng chi phí lãi vay.
Ngoài ra, lãi suất thị trường tăng sẽ làm suy giảm khả năng tài chính của công ty, khiến công ty phải đối mặt với một phần bù rủi ro của nguồn vốn tài trợ từ bên ngoài cao hơn. Điều này buộc công ty phải huỷ bỏ hoặc hoãn lại cơ hội đầu tư sinh lợi, dẫn đến làm giảm tiềm năng thu nhập trong tương lai của công ty.
Mặt khác, các điều kiện thắt chặt tiền tệ có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp.
CSTT còn có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu thông qua tâm lý rủi ro. Những kì vọng về chu kỳ suy thoái có thể khiến các nhà đầu tư xem cổ phiếu là những khoản đầu tư nhiều rủi ro. Để bù đắp cho rủi ro cao, nhà đầu tư yêu cầu mức chiết khấu cao hơn, mà điều này chỉ có thể đạt được thông qua giá cổ phiếu thấp.