1. Môi trường chính sách
Sự bứt phá của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 10/2021 dựa trên nền tảng chính sách tiền tệ nới lỏng, duy trì lợi thế cho kênh đầu tư chứng khoán và chính sách tài khóa có khả năng mở rộng tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi. Đó là hai yếu tố then chốt giữ nhịp sôi động trên thị trường.
Nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ có thể được thực hiện nhằm hỗ trợ nền kinh tế, thông qua nhiều cách khác nhau, như tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại trong tháng 11, hoặc ưu đãi về lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngoài ra, không gian tài khóa được cải thiện trong năm nay. Cụ thể, Ngân sách Nhà nước đến tháng 10/2021 ghi nhận con số thặng dư 19.700 tỷ đồng (năm 2020 thâm hụt 164.700 tỷ đồng), có nghĩa là Chính phủ có thể thúc đẩy nền kinh tế không chỉ về giải ngân đầu tư công, mà còn có thể hỗ trợ tiền mặt đến người dân để kích thích chi tiêu.
2. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Lợi nhuận quý III/2021 của các doanh nghiệp trên HOSE (thống kê các báo cáo tài chính tính đến cuối tuần qua) tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái, dù chậm lại đáng kể so với mức tăng 65,1% của quý II nhưng vẫn là mức rất đáng khích lệ trong bối cảnh bị tác động bởi dịch Covid-19.
3. Dỡ bỏ giãn cách xã hội
Nhìn lại tháng 10/2021, kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi khi biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ một phần hoặc toàn phần ở hầu hết các tỉnh, thành phố.
Với tỷ lệ tiêm chủng tăng nhanh lên mức tương đối cao, số ca nhiễm Covid-19 đã giảm đáng kể và sự chuyển đổi chiến lược từ “không Covid” sang “sống chung với đại dịch”, Việt Nam đang đi đúng hướng trong tiến trình khôi phục lại trạng thái bình thường mới. Nhờ vậy, các số liệu vĩ mô trong tháng 10/2021 cho thấy sự cải thiện của đa số nhóm ngành trong nền kinh tế so với tháng 9.
Tuy nhiên, sự hồi phục không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và mức độ hồi phục yếu hơn so với các giai đoạn phục hồi trong năm 2020 do tình trạng thiếu lao động và sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở khu vực phía Nam.
Phần lớn nhà máy trong lĩnh vực sản xuất trọng điểm đã hoạt động trở lại, nhưng công suất mới đạt khoảng 70% so với trước dịch.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ở TP.HCM trong tháng 10 giảm 43% (tháng 9 giảm 52%), hầu hết các chỉ số nhóm ngành cấp 2 quan trọng đều giảm mạnh so với cùng kỳ như may mặc giảm 65,8%, đồ gỗ nội thất giảm 50,5%, đồ điện tử giảm 55%.
4. Xuất khẩu phục hồi, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu
Số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 tăng 0,33% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 9 giảm 0,52%); kim ngạch nhập khẩu tăng 8,1%, thấp hơn mức tăng 10,2% trong tháng 9, giúp cán cân thương mại nới rộng thặng dư lên 1,1 tỷ USD, từ mức 360 triệu USD trong tháng 9, đánh dấu tháng xuất siêu thứ hai liên tiếp.
Điều này giúp cán cân thương mại 10 tháng đầu năm 2021 thu hẹp mức thâm hụt xuống còn 1,5 tỷ USD. Các nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong tháng 10 là thép (tăng 140%), dầu thô (tăng 150%), hóa chất (tăng 40,8%), chất dẻo (tăng 62,9%).
5. Lạm phát duy trì ở mức thấp
Lạm phát trong tháng 10 giảm 0,2% so với tháng 9 và lạm phát bình quân 10 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,81% – thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Yếu tố hỗ trợ lạm phát trong tháng 10 đến từ giá lương thực, thực phẩm giảm 1,3% so với tháng 9 do giá thịt lợn giảm 9,4%, bù đắp được mức tăng 2,8% của nhóm giao thông (trong đó, giá xăng dầu tăng 6,2% so với tháng 9). Lạm phát cơ bản trong tháng 10 chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ, lạm phát bình quân năm 2021 được dự báo ở quanh mức 2%.
Lạm phát ở mức thấp và tỷ giá ổn định giúp chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng. Các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn đáo hạn trong tháng 10, trong khi hầu như không có hoạt động trung hòa nào từ phía Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở, đã giúp thanh khoản tiền đồng dồi dào và mặt bằng lãi suất ở cả thị trường 1 và 2 duy trì mức thấp.
Hiện tại, triển vọng kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022 đã sáng hơn, nhưng cần có dữ liệu tháng 11 để đánh giá đầy đủ xem mô hình phục hồi chữ V có được duy trì hay không.