FED có thể tăng lãi suất ngay trong tháng 3/2022
Nhật báo phố Wall (The Wall Street Journal) trích phát biểu của Chủ tịch FED của Atlanta Raphael Bostic rằng FED có thể sẽ tăng lãi suất sớm ngay trong cuộc họp tháng 3 tới. Ông này cũng dự báo có thể FED tăng lãi suất 3 lần trong năm nay. Quan điểm này trùng với nhiều quan chức FED khác. Khối doanh nghiệp tư nhân đồng tình, vì đây cũng là thời điểm dự kiến FED kết thúc chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp.
Một số định chế tài chính như JPMorgan tỏ ra nghi ngại rằng FED có thể phải tăng hơn 4 lần trong năm 2022. CEO Jamie Dimon bình: “Cá nhân tôi sẽ ngạc nhiên nếu FED chỉ tăng 4 lần và nếu chúng ta may mắn, FED có thể hãm phanh được lạm phát. Khi đó kinh tế sẽ hạ cánh mềm”.
Mỗi tổ chức hay định chế đều đang có dự báo riêng của mình đối với bước đi tiếp theo của FED. Các dự đoán đều ít nhiều có lợi cho công việc kinh doanh của họ. Còn FED sẽ có cuộc họp và thông tin thêm gần nhất vào ngày 25 – 26 tháng này.
Trung quốc: Lạm phát giảm hơn dự báo, mở đường cho hạ lãi suất
Lạm phát tại Trung Quốc giảm trong tháng 12/2021, nhờ giá thực phẩm và hàng hóa hạ nhiệt và các nhà phân tích nhận định số liệu mới công bố ngày 12/1 sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách thực hiện các biện pháp khởi động nền kinh tế, trong đó có việc hạ lãi suất.
Như hầu hết các nước, Trung Quốc đã chứng kiến giá cả tăng mạnh trong gần như cả năm ngoái, do chi phí năng lượng tăng, gây sức ép lên nền kinh tế đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vốn là động lực tăng trưởng.
Việt Nam: Xu hướng lãi suất ở mức ổn định, có thể giảm thêm
Bước sang năm 2022 lãi suất huy động của nhiều ngân hàng tăng nhẹ, giới chuyên gia kỳ vọng lãi suất ngân hàng sẽ hấp dẫn người gửi tiền hơn trong thời gian tới. Trong khi doanh nghiệp lo lắng lãi suất cho vay sẽ bị tác động theo thì lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đang cân nhắc để đưa ra một số giải pháp, phấn đấu giảm từ 0,5 đến 1 điểm % lãi suất trong 2 năm.
Ghi nhận tại biểu lãi suất mới nhất trong tháng 1/2022 tại nhiều ngân hàng cho thấy lãi suất nhiều kỳ hạn đã tăng nhẹ từ 0,1-0,3% so với hồi đầu tháng trước. Đáng chú ý, có ngân hàng đã chào lãi suất tiền gửi online với kỳ hạn 36 tháng lên tới gần 6,8%/năm.
Dù vậy, việc điều chỉnh này chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, còn lãi suất đầu vào của nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn giữ ổn định.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia tài chính đây là điều dễ hiểu khi thanh khoản hệ thống có phần căng thẳng hơn so với giai đoạn trước do yếu tố mùa vụ. Đây cũng là giai đoạn nhiều doanh nghiệp cũng cần vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh.
“Tôi cho rằng đây là động thái hoàn toàn phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường chứ không có gì là đột biến và đáng quan ngại cả. Chúng tôi dự báo có thể lãi suất tiền gửi còn có thể tăng nhẹ một chút để giúp các tổ chức tín dụng tiếp tục thu hút dòng tiền gửi trong bối cảnh đang có nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn,” chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho biết.
Các chuyên gia cũng nhận định, nhiều khả năng các ngân hàng thương mại sẽ tăng nhẹ lãi suất huy động thêm khoảng 0,25 đến 0,5 điểm % nhằm hút nguồn vốn, tuy nhiên sẽ không tác động nhiều đến nguồn vốn cho vay nhằm hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế.
Theo các doanh nghiệp, nếu lãi suất cho vay ổn định trong nửa đầu năm 2022 hoặc tiếp tục giảm sẽ góp phần rất lớn giúp ổn định chi phí đầu vào, thêm cơ hội phục hồi.
Giới chuyên gia cũng dự báo xét trong ngắn hạn lãi suất cho vay cũng có thể có áp lực tăng nhưng về lâu dài vẫn trong xu hướng ổn định. Nếu nỗ lực lãi suất cho vay vẫn có thể giảm thêm, đặc biệt là đối với những lĩnh vực ưu tiên.